Đặc điểm của trò chơi dân gian dành cho trẻ em

Trò chơi dân gian xưa được xem là một hình thức giáo dục đơn giản, giúp hình thành nhân cách cũng như phát triển thể chất cho trẻ nhỏ. Nó thường được thể hiện là các hành vi bắt chước của trẻ nhỏ từ các hoạt động của người lớn hay là sự truyền dạy của người lớn cho trẻ nhỏ. Cứ thế, các trò chơi dân gian được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như một di sản văn hóa dân tộc.Trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với các sở thích, cá tính khác nhau của nhiều đối tượng người chơi như sôi nổi, điềm đạm hay trầm tĩnh. Mỗi trò lại có một quy luật riêng, mang những sắc thái khác nhau khiến trẻ em chơi suốt ngày mà không thấy chán.

Đặc điểm chung của trò chơi dân gian – Trò chơi cổ truyền của trẻ em được hình thành và lưu truyền theo phương thức của văn hóa dân gian. Việc sáng tạo được thực hiện trong một quá trình lâu dài bao gồm: sáng tạo lưu truyền sử dụng – điều chỉnh. Ở đây, chủ thể sáng tạo, sử dụng, lưu truyền và tái tạo các trò chơi này chủ yếu là trẻ em. Dù bất cứ nơi đâu, trong gia đình, tại trường học hay trên đường làng đều có thể tổ chức được các trò chơi dân gian phù hợp. Nếu sân nhà nho nhỏ thì các em chơi ô ăn quan, chơi cờ, đánh chuyền, chặt cây dừa chừa cây mận, bắt ve… Nếu diện tích rộng hơn thì có thể chơi rồng rắn lên mây, đá cầu, trốn tìm, bịt mắt bắt dê… Ở những bãi cỏ lớn thì có thể tổ chức các trò cướp cờ, đánh đu, đá gà, chồng bông sen, cờ chém…Người chơi thường là những trẻ em ,túm tụm ngoài bãi cỏ, ngoài sân,… ngoài việc vui đùa, rèn luyện thân thể, còn thể hiện nỗi khát khao chiến thắng tiềm ẩn trong mỗi đứa trẻ.

Do không lệ thuộc vào hình thức lễ hội như trò chơi của người lớn. Nên trò chơi dân gian trẻ em có những đặc trưng cơ bản như:Trò chơi trẻ em dễ dàng phổ biến rộng rãi, không chịu sự ràng buộc một cách nghiêm ngặt về không gian và thời gian, trẻ có thể chơi bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Trong các lễ hội ở địa phương, trẻ em vẫn có phần tham gia, nhưng nhìn chung hoạt động vui chơi của trẻ thường được tổ chức riêng biệt bên ngoài lễ hội. Nếu như trò chơi của người lớn chỉ được thể hiện ở một địa phương trong thời điểm nhất định như thường vào xuân, hát quan họ ( ở Bắc Ninh), tung còn (ở Tâu Bắc) thì trò chơi ở trẻ em không bị những hạn chế đó. Trẻ em ở nhiều vùng, thậm chí khắp cả nước có thể đánh chuyền, đánh khăng nhiều trò chơi còn được truyền bá trên phạm vi rộng hơn vượt ra ngoài lãnh phận địa phương, thậm chí còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Đây cũng là hiện tượng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, giữa các địa phương, giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Post Author: admin